Hành trình xây dựng thương hiệu của STAR KITCHEN

11:30 AM, 12/12/2020

Vừa qua STAR KITCHEN đã có cơ hội xuất hiện trên tạp chí KILALA vol.43 với những câu chuyện thú vị về hành trình mang phong vị bánh Nhật Bản đến Việt Nam cùng những kỉ niệm không thể quên từ Anh Yuya Arashima - CEO của Star Kitchen

 

Kilala-43_coverTạp chí KILALA Vol.43

 

Star Kitchen có lẽ là một cái tên rất quen thuộc đối với những ai có niềm đam mê bất tận với bánh ngọt Nhật Bản. Tính đến nay, Star Kitchen đã trải qua lần sinh nhật thứ 7 và đã có được vị trí riêng trong lòng những tín đồ ẩm thực. Nhưng để có những bước tiến như ngày hôm nay, anh Yuya Arashima, người sáng lập ra Star Kitchen, cũng đã trải qua không ít trăn trở để đưa được hương vị bánh Nhật đến với người Việt.

Nói đến bánh ngọt Nhật Bản ở Thành phố Hồ Chí Minh, chắc hẳn nhiều người sẽ nhớ ngay đến Star Kitchen với studio làm bánh và quán cà phê nho nhỏ nằm nép mình trong khu phố Nhật Thái Văn Lung. Star Kitchen được thành lập bởi “soái ca làm bánh” người Nhật Yuya Arashima. Năm 2013, anh Arashima đã bắt đầu khởi nghiệp ở Việt Nam với một cooking studio (lớp dạy nấu ăn).

Vài năm sau đó, anh đã mở ra quán cà phê Star Kitchen với mục đích là để cho những người bận rộn, không thể đến lớp làm bánh cũng có thể thưởng thức bánh ngọt. Đến năm 2020 thì Star Kitchen chính thức trở thành đối tác của nhiều thương hiệu nổi tiếng như Family Mart, 7-Eleven, Starbucks,... Dù Star Kitchen khai trương vào thời điểm mà các doanh nghiệp Nhật Bản tấn công mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam, nhưng để có được danh tiếng như ngày hôm nay thì cũng không phải là chuyện dễ dàng. Cùng Kilala lắng nghe những chia sẻ của anh Yuya Arashima về câu chuyện của Star Kitchen nhé.

 

VIỆT NAM VÀ BÁNH NGỌT KHÔNG PHẢI LÀ LỰA CHỌN DUY NHẤT


Chọn nơi nào để khởi nghiệp có lẽ luôn là vấn đề khiến nhiều người phải đau đầu và anh Arashima cũng không thoát khỏi tình trạng đó. Trước khi đặt chân đến Việt Nam, anh cũng đã có nhiều lựa chọn khác như Singapore, Thái Lan, Myanmar, Lào,... Theo anh Arashima, vào thời điểm năm 2013, anh cảm thấy Việt Nam là một nước đang phát triển, có nhiều tiềm năng, văn hóa và con người Việt Nam đều rất thú vị, nên anh đã lựa chọn Việt Nam để bắt đầu cho hành trình mới của mình.

Sau khi đã quyết định chọn nơi để bắt đầu thì vấn đề nan giải tiếp theo là tìm kiếm hướng đi. Khi tìm hiểu về Việt Nam, anh Arashima nhận thấy vào dịp cuối tuần, đa phần người Việt thường đi cà phê với bạn bè, hay ở nhà lên mạng, xem phim, lướt facebook... Trong khi ở Nhật Bản, mọi người có thói quen đến những lớp học kỹ năng như nấu ăn, làm bánh, làm gốm, hay đi cắm trại, chơi thể thao vào cuối tuần. Sau khi tìm hiểu, anh thấy rằng ở Sài Gòn chưa có nhiều lớp học như vậy, nên cuối cùng đã đi đến quyết định mở một lớp dạy nấu món Nhật. Mặc dù hiện tại, Star Kitchen là bếp bánh nổi tiếng về các món ngọt Nhật Bản, tuy nhiên ban đầu, lớp học của anh Arashima chỉ tập trung vào các món ăn mặn như sushi, udon, tempura,...

Tuy nhiên, trong quá trình đứng lớp, anh lại thấy rằng học viên có vẻ không hào hứng lắm. Một phần vì Việt Nam và Nhật Bản đều là nước Châu Á nên những món ăn cũng có phần tương tự nhau. Một lý do nữa là gia vị của Việt Nam cũng không giống Nhật Bản nên món nấu ra cũng không mang hương vị riêng biệt của Nhật. So với những món mặn thì bánh ngọt dễ làm, thành phẩm lại đáng yêu và dễ mang tặng người khác vào những dịp đặc biệt nên được nhiều người đăng ký học. Số người học làm bánh ngày càng nhiều hơn và anh Arashima đã quyết định thay đổi Star Kitchen thành một lớp học chuyên dạy làm bánh ngọt kiểu Nhật.

 

249606cfd9c5289b71d4Lớp học làm bánh Star Kitchen

 

VƯỢT QUA NHỮNG KHÓ KHĂN VỀ KHÁC BIỆT VĂN HÓA


Đối với một người tạo dựng từ 2 bàn tay trắng ở một đất nước hoàn toàn xa lạ như anh Arashima, có thể nói trở ngại đầu tiên và cũng là lớn nhất chính là sự khác biệt về văn hóa. Có nhiều người cho rằng văn hóa Nhật Bản và Việt Nam có khá nhiều nét tương đồng do đều là những quốc gia thuộc Châu Á, nhưng theo anh Arashima chia sẻ, việc thấu hiểu văn hóa của người Việt thật sự là một thử thách lớn đối với anh. Đơn cử là về khẩu vị, có những loại bánh rất được ưa chuộng ở Nhật nhưng khi đến Việt Nam thì lại không được đón nhận. Anh thường phải nghe khách hàng phàn nàn rằng bánh ngọt quá, hay bánh chưa ngon, ăn không quen... Vì vậy, anh đã tìm hiểu về sở thích ăn uống của người Việt Nam qua bạn bè và người quen. Từ những thông tin mà mình thu thập được, anh Arashima nói những ý tưởng bánh của mình cho giáo viên dạy làm bánh người Nhật và cùng tạo ra những công thức bánh riêng của Star Kitchen. Suốt 7 năm không ngừng tìm hiểu văn hóa, sáng tạo và thử nghiệm những công thức bánh sao cho hợp với thị hiếu người Việt, anh Arashima đã có thể tự tin rằng bản thân có thể nắm bắt tốt khẩu vị của các thực khách Việt Nam. 

 

RnD7-studioAnh Yuya Arashima và giảng viên tại Star Kitchen

 

Song khó khăn về khác biệt văn hóa còn nằm ở vấn đề trao đổi và làm việc với nhân viên. Anh Arashima chia sẻ, trong những ngày đầu làm việc, thành phẩm bánh mà nhân viên làm ra lại không giống với mẫu đã lên, ví dụ như sử dụng quá nhiều các chi tiết hình tròn so với bản gốc, hoặc thợ bánh tự ý thêm thắt một vài chi tiết ngẫu hứng. Điều này làm anh rất lấy làm lạ, vì nếu là thợ bánh người Nhật, chắc chắn sẽ làm đúng y như mẫu đã giao. Ban đầu, anh cũng tự hỏi không biết bản thân có quá nghiêm khắc hay không. Anh biết rằng, với cương vị là người quản lý, anh hoàn toàn có thể yêu cầu họ làm theo ý anh. Nhưng phương án đó chỉ mang tính tạm thời chứ không thể duy trì lâu dài. Vì vậy, anh đã tìm hiểu về những ưu điểm, khuyết điểm của người Việt Nam và thử thách mình phải sống hòa hợp với những điều đó. Có đôi khi anh cảm thấy bị căng thẳng, nên đã nhiều lần trao đổi với nhân viên để hiểu những vấn đề của họ. Dần dần, anh tự rút ra được kinh nghiệm quản lý trong một môi trường làm việc đa văn hóa như thế này. Có thể nói cho đến hiện tại, mọi thứ đã trở nên suôn sẻ hơn rất nhiều.

 

HÀNH TRÌNH MANG THƯƠNG HIỆU STAR KITCHEN LAN RỘNG


Sau khi lớp học dạy làm bánh được ổn định, anh Arashima bắt đầu mở thêm tiệm cà phê bánh ngọt Star Kitchen. Nói về một trong những nguyên nhân làm nên thương hiệu Star Kitchen thì chính là chất lượng tiêu chuẩn Nhật Bản. Bên cạnh các nguyên liệu sữa, bơ cao cấp được nhiều nhà hàng 5 sao chọn lựa, Star Kitchen còn sử dụng nhiều nguyên liệu nhập khẩu từ Nhật Bản như hoa Sakura ướp muối hay Matcha. Những thiết kế bánh ngọt của Star Kitchen luôn được cập nhật thường xuyên theo xu hướng bánh ngọt ở Nhật Bản. Vì vậy có thể nói, những chiếc bánh ở đây không chỉ ngon lành mà còn rất đỗi xinh đẹp.

 

122451568_3448527731905817_5082933003523289225_oSakura Cheesecake

 

Sau bao cố gắng thì Star Kitchen cũng đã có được vị trí trong lòng các tín đồ bánh ngọt và nhận được nhiều lời mời hợp tác từ các thương hiệu và nhà hàng lớn. Thời gian đầu, người ta chỉ có thể bắt gặp bánh của Star Kitchen trong chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart, nhưng về sau, thương hiệu bánh này bắt đầu phủ sóng khắp nơi, từ nhà hàng Sorae, nhà hàng Sushi Bar, 7-Eleven, Star Bucks cho đến Takashimaya, phần nào chứng tỏ được sức hút của bánh ngọt Star Kitchen. Về những dự định tương lai, anh Arashima đang có kế hoạch sẽ mang thương hiệu Star Kitchen đến gần hơn với người dân Hà Nội. Anh Arashima chia sẻ, bánh ngọt của Star Kitchen cũng rất được người Hà Nội yêu thích, có những người thường đến Star Kitchen ăn bánh mỗi khi có dịp vào thành phố Hồ Chí Minh.

 

123508766_4835267499847037_2027779090981259913_oBánh giáng sinh Starbucks - được làm bởi Star Kitchen (Nguồn: Starbucks Vietnam)

 

(Trích từ bài viết "STAR KITCHEN hành trình mang hương vị bánh Nhật vào Việt Nam" trong tạp chí KILALA vol 43)
Bài: Quỳnh Trịnh 

Ý kiến của bạn